Bức thư gửi người ở thiên đường
Năm tôi 8 tuổi, bác gái mất. Đó là người thân đầu tiên của tôi ở thiên đường.
8 tuổi, lần đầu tiên tôi chứng kiến nhiều nỗi đau, nhiều giọt nước mắt, nhiều mất mát đến thế. Chị họ tôi gục xuống bên quan tài của mẹ, khóc mãi không thôi. Nỗi đau đó chắc là lớn lắm, tôi không tưởng tượng ra hết được, nhưng khi nghĩ đến hai người chị họ của tôi, nghĩ đến cảm giác mất một người mẹ là như thế nào, tôi cứ bần thần cả người.
Tôi không biết có một thế giới nào khác của những người đã mất hay không. Nhưng cái hồi 8 tuổi ấy, tôi tin người đã mất – một cách nào đó – vẫn tiếp tục sống ở một nơi gọi là “thiên đường”. Tôi hỏi Ba: “Nếu con viết thư cho bác Bé rồi đốt đi thì bác Bé có đọc được không?”. Ba bảo được, thế là đám con nít tụi tôi bắt đầu viết thư cho bác.
Bức thư đầu tiên của tôi được viết trên tờ giấy đôi xé ra từ tập vở. Tôi dùng bút mực học trò, nắn nót viết những điều tôi muốn kể cho bác gái nghe. Tôi nhớ bác gái ở xa, lâu lâu về lại dạy con nít tụi tôi nhảy. Chẳng rõ tên điệu nhảy đó là gì, chỉ thấy hai chân của người nhảy khua qua khua về rất nhanh, tôi học mãi mà vẫn cứ lóng nga lóng ngóng. Đến lúc bác mất đi rồi tôi vẫn chưa nhảy được điệu nhảy ấy. Tôi còn nhớ mỗi lần bác gái đi xa về lại bày quà cáp ra giữa nhà, phát cho mỗi người một món quà, không thiếu một ai…
Không hiểu hồi đó tôi nghĩ đâu ra lắm thứ để viết đến thế, cứ mỗi tuần viết một bức thư. Nhưng không phải tuần nào cũng có người lên thăm mộ bác để tôi nhờ mang thư lên đốt. Tôi mang băn khoăn ra hỏi Ba: “Con đốt thư ở nhà thì làm sao bác Bé nhận được?”. Ba bảo: không sao cả, con cứ đốt đi thế nào bác Bé cũng sẽ đọc được thôi. Mặc dù cứ nơm nớp sợ thư sẽ đi sai “địa chỉ”, tôi vẫn quyết định tin lời Ba.
Đó là những bức thư tay đầu tiên tôi viết, mà lại viết cho một người đã đi xa, rất xa… Những bức thư ấy, có bức thì Ba đem lên mộ đốt giúp tôi, có bức tôi viết xong rồi tự đốt ở nhà. Tôi đã viết thư cho một người ở thiên đường bằng tất cả tình yêu thương chân thành nhất của một đứa trẻ.
Mười mấy năm sau đó, tôi chứng kiến nhiều sự chia ly, không phải là sự chia ly giữa hai thế giới, mà là giữa hai con người trong cùng một thế giới với nhau. Lẽ dĩ nhiên, khi trong con người ta không còn tình yêu thương nữa, khoảng cách gần bao nhiêu cũng sẽ trở nên xa xôi nghìn trùng.
Vì lẽ đó, tôi không thích con người ta viện cớ vào khoảng cách địa lý để kết thúc một tình yêu. Hết yêu là hết yêu, thà cứ thừa nhận điều đó còn hơn là đổ lỗi cho một thứ vô tri vô giác mang tên “khoảng cách”. Khi một tình yêu xa kết thúc, thực chất là do khoảng cách địa lý quá lớn hay do yêu thương của con người không đủ vững vàng để rút ngắn sự xa xôi?
May mắn thay, từ những ngày còn thơ ấy, tôi có Ba bên cạnh để dạy cho tôi bài học đầu tiên về tình yêu thương. Nếu tình yêu của con người đủ lớn, “khoảng cách giữa sự sống và cái chết” cũng chỉ đơn giản là một từ mà thôi. Khi người yêu thương không còn ở bên cạnh ta, không còn chia sẻ những vui buồn với ta, không còn là chốn bình yên để ta tìm về mỗi lúc sóng gió, ta cũng không được cho phép bản thân ngừng yêu thương họ.
Thế nên, cho dù có hay không một “thiên đường” của những người đã mất, họ vẫn sống mãi ở “thiên đường” trong trái tim của những người yêu thương mình.
Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn tin những bức thư tôi viết ngày xưa ấy, dù thế nào đi nữa cũng đã đến đúng địa chỉ…
PHƯƠNG GIAO