Hành trình tuổi 20 – Chuyến đi đầu tiên
Nếu 20 là một cột mốc đặc biệt, thì tôi muốn mở đầu tuổi 20 này bằng những chuyến đi, và khép lại nó cũng bằng những chuyến đi. Đi và để lại…
Tôi sẽ nhớ những con người đầu tiên trong chuyến đi này – hầu hết là những con người tuổi 20, có người đã đi qua, có người còn lâu mới đến. Dù gì thì tôi vẫn muốn gọi nó là hành trình tuổi 20, bởi sức trẻ của những con người này, bởi sự nhiệt tình, bởi cả tâm huyết của họ – 20 trong cách suy nghĩ, cách hành động và cách sống.
Tôi sẽ nhớ chuyến đi đầu tiên này – xuất phát ở thành phố từ buổi chiều mà đến nơi đã nhem nhẻm tối. Cái nắng oi ả đến hoa cả mắt, bụi đường mịt mờ, vậy mà có những con người trẻ tuổi vẫn cứ miệt mài đi. Lâu lâu pha trò chọc cười nhau cho đường dài ngắn lại. Lâu lâu lấy máy ảnh ra bấm tách tách mấy cái để lưu giữ những khoảnh khắc thoáng qua trên đường. Dù gì thì cũng 20 mà, cứ đi là sẽ đến.
Tôi sẽ nhớ chỗ trú chân đầu tiên trong hành trình của tuổi 20 – căn nhà nhỏ giản dị của bạn. Giản dị mà ấm áp. Buổi tối cùng gia đình bạn loay hoay chuẩn bị bữa ăn: đứa xào đu đủ, đứa chặt gà, đứa thì loay hoay lau nhà, rửa chén… Sáng sớm ngủ dậy phát hiện một nồi cháo to đùng đã gần chín, thầm thì hỏi nhau xem bác gái dậy chuẩn bị từ lúc nào. Câu hỏi đó vẫn quanh quẩn trong lòng mỗi người, cũng như tình cảm chân chất của những con người nơi đây – tự lúc nào đó đã quẩn quanh trong chúng tôi những ngày 20 tuổi.
Tôi sẽ nhớ buổi tối đầu tiên của chuyến đi – cả đoàn ngồi trước thềm nhà hóng gió đêm và ngắm sao trời. Không gian tĩnh mịch, đâu đó vọng lại tiếng côn trùng kêu khan. Thỉnh thoảng nghe hai bạn thì thầm trao đổi về tương lai, về ước mơ, về những dự định phía trước. Lẫn trong đó là nỗi băn khoăn của hai Chuyên gia đào tạo tuổi 20: ngày mai nên chia sẻ những gì để tốt nhất cho các em học sinh nơi này. Không biết nỗi băn khoăn đó có đi vào trong giấc ngủ của hai bạn không, chỉ biết rằng cái ngày mai đó, rốt cuộc rồi cũng đến…
Địa điểm đầu tiên của tuổi 20: Trường THCS Phước Bình, tỉnh Đồng Nai.
Tôi tự hỏi ngày xưa mình mặc đồng phục có như thế này không, mà khi nhìn các em quần xanh áo trắng đứng lên chào các anh chị một cách nghiêm túc lại thấy dễ thương thế. Cả đoàn dừng chân tại lớp 9/1, đúng lúc cô giáo đang đứng lớp nên qua lớp 9/2 trước, nghe cả lớp nhao nhao “Lát nữa mấy anh chị nhớ quay lại nhaaa!!!” rồi “Cô ơi dạy nhanh nhanh nha cô!” mà thấy lòng tự nhiên vui lạ. Ngay cả ở đây, tại một ngôi trường nhỏ bé xa xôi thế này, vẫn cần những con người mới đến truyền đạt những kiến thức mới…
Tôi tự hỏi tại sao chúng tôi không đến đây sớm hơn, khi mà mỗi lời chia sẻ của hai Chuyên gia đào tạo lại có ý nghĩa với các em đến thế. Có em chăm chú nghe từng lời giảng, có em hí hoáy ghi chép lại từng kiến thức mới, có em cười đến nỗi gục người xuống bàn khi Chuyên gia đào tạo pha trò… Cảnh tượng này vừa lạ lẫm mà cũng vừa thân quen. Bởi chính tôi cách đây hai năm cũng thế, được các Chuyên gia đào tạo ở TGM chia sẻ những thứ mà chắc chắn tôi không bao giờ quên được – những kiến thức đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Mãi mãi.
Tôi ước gì không khí trong lớp học tiết nào cũng như thế này, bởi tôi nghe tiếng cười vang trong trẻo của các em mà cứ muốn níu giữ mãi. Ngồi lớp này lâu lâu lại nghe tràng cười ngặt nghẽo của lớp bên cạnh vọng sang, biết là Chuyên gia đào tạo bên đấy đang cũng đang chia sẻ cho các em một điều thú vị gì đó. Tôi bị những ánh mắt thích thú của các em làm vui lây, bị sự hăng say của các em thu hút, bị chính những Chuyên gia đào tạo trẻ tuổi – những người tôi đã quen từ lâu – lôi cuốn theo từng lời.
Tôi thắc mắc đã có ai hỏi các em câu hỏi này chưa: “Tại sao các em phải học?”. Có lẽ là chưa, bởi các em bắt đầu lúng túng. Các em ngày ngày đến trường mà không hiểu tại sao. Phần lớn trong số chúng ta cũng ngày ngày làm những thứ quen thuộc mà không hiểu tại sao. Đã đến lúc mỗi người tự đi tìm cho mình một câu trả lời. Những phút giây ngập ngừng, những khoảng lặng đáng giá. Những câu trả lời hồn nhiên: “Vì ba mẹ kêu em đi học” hay “Em cũng không biết nữa…” tạo nên một khoảng lặng khác trong lòng mỗi người chúng tôi…
Tôi nhớ lắm khoảnh khắc cảm động lúc được hỏi “Em nào thương ba mẹ vất vả, mong muốn thay đổi hoàn cảnh gia đình mình?”, tất cả các em đều giơ tay lên thật cao, như thể nó đã ở sẵn trong lòng các em từ lâu lắm rồi. Tuổi thơ của các em, xót xa thay, không chỉ có mỗi việc học, mà còn có cả những mối lo toan khác. Sự tự ti và ấm ức khi người khác coi thường hoàn cảnh nghèo khó của mình khiến các em hiểu rằng, các em càng cần phải học để tiến nhanh hơn và thành công hơn trong tương lai, để ba mẹ bớt vất vả, để không ai có quyền coi thường mình…
Tôi ước ngay lúc này đây, tôi được quay lại tuổi học trò, ngồi cùng các em và biết những điều này sớm hơn. Nhưng tôi đã là tôi tuổi 20, và phía trước tôi vẫn còn một hành trình dài cùng những người bạn. Chúng tôi đã không thể quay lại ngày xưa nữa rồi, nhưng chúng tôi sẽ làm nên tuổi 20 của mình bằng những chuyến đi, bởi còn rất nhiều thế hệ học sinh các nơi khác đang chờ chúng tôi đến.
Tôi ước mỗi một tiết học không chỉ có 45 phút ít ỏi, bởi còn rất rất nhiều thứ muốn nói mà chưa thể nói hết, chỉ biết gửi lại mỗi lớp hai quyển sách mà chúng tôi tin sẽ mang lại nhiều thay đổi trong cách học tập và suy nghĩ của các em. Nhìn những ánh mắt thích thú của các em khi cầm quyển sách, nghe cả lớp xôn xao mượn nhau về đọc, rồi chăm chú nghe hướng dẫn cách đọc sách sao cho hiệu quả nhất, trong lòng chúng tôi lại dấy lên niềm hi vọng nhỏ nhoi: tương lai của em rồi sẽ tươi sáng và rộng mở, bởi phía trước của em còn một chặng đường rất dài, rất dài…
Viết cho hai con người trẻ tuổi đầy hoài bão
Tôi nhắc nhiều đến các Chuyên gia đào tạo tuổi 20, nhưng chưa một lần nhắc đến tên họ: Hoàng Thanh Phong và Lê Vũ Phúc. Các bạn đã bắt đầu ước mơ làm Trainer của mình khi còn chưa kịp đến tuổi 20. Hết tiết này đến tiết khác, lớp này đến lớp khác, mình ngồi dưới lớp nghe hai bạn train, cảm nhận rõ tấm lòng của hai bạn dành cho các em và tâm huyết với ước mơ làm Trainer của mỗi người.
Quãng đường dài đằng đẵng đầy bụi và nắng, không ít lần bị sự cố giữa đường, đứa thì ngủ gục, đứa thì bể bánh xe. Mình không theo đuổi nghề của hai bạn, nhưng mình cảm nhận được phần nào sự hy sinh và những vất vả mà một Trainer phải trải qua để theo đuổi ước mơ của mình – điều mà không phải ai cũng nhìn thấy. Có thể hôm nay chưa ai biết hai bạn là ai, nhưng mình tin nếu hai bạn vẫn kiên trì với mục tiêu của mình, rồi một ngày nào đó người ta sẽ nhắc đến Hoàng Thanh Phong và Lê Vũ Phúc với những phong cách rất riêng, rất đặc biệt.
Nếu tôi viết hồi ký cho tuổi 20, chắc chắn sẽ không thể không nhắc đến những chuyến đi như thế này. Rồi sẽ còn nhiều chuyến đi khác, với nhiều bài học và nhiều kỷ niệm khó quên khác nữa…
Hành trình của tuổi 20 mới chỉ bắt đầu…
“Hai mươi em cho đời một giấc mơ…”
Tặng cho những con người đã cùng tôi thực hiện chuyến đi: Hoàng Thanh Phong, Lê Vũ Phúc, Võ Hoàng Chu Kiệt, Đoàn Huỳnh Vân Anh (Lọ Lem), Nguyễn Thị Nữ,…